CHẤT LƯỢNG BỀ MẶT GIA CÔNG | YCK2020
Gia công chi tiết bằng cắt gọt là một phương pháp điển hình trong chế tạo
máy. Ở đó, ta đánh giá chất lượng chi tiết được gia công bằng nhiều yếu tố: độ
chính xác về kích thước, hình dạng hình học, độ tương quan giữa các bề mặt, ...
và chất lượng bề mặt gia công là một yếu tố quan trọng phải kể đến.
Tags: Các sai số của bề mặt gia công CHẤT LƯỢNG BỀ MẶT GIA CÔNG công nghệ chế tạo máy YCK2020
Chất lượng bề mặt gia công được đánh giá bằng hai yếu tố đặc trưng:
- Tính
chất cơ lý của lớp kim loại bề mặt.
- Độ nhám bề mặt.
Chất lượng của lớp kim loại bề mặt được tạo thành bởi tính chất của kim
loại và phương pháp gia công cơ. Trong quá trình gia công cơ dưới tác dụng của
lưỡi cắt dụng cụ, trên bề mặt kim loại tạo thành những vết lồi, lõm và cấu trúc
của lớp bề mặt cũng thay đổi (lớp bề mặt bị biến dạng dẻo và tạo thành biến
cứng, đồng thời xuất hiện ứng xuất dư).
Mức độ biến cứng và chiều sâu biến cứng phụ thuộc vào phương pháp gia công
và chế độ cắt (lượng chạy dao, chiều sâu cắt và tốc độ cắt). Khi tăng lượng
chạy dao và tốc độ cắt, chiều sâu biến cứng tăng lên, ngược lại khi tăng tốc độ
cắt thì chiều sâu biến cứng giảm xuống.
Các sai số của bề mặt gia công được phân biệt theo dấu hiệu hình học như sau:
- Sai số hình dáng (độ ô van, độ côn, độ
tang trống, độ đa cạnh,...)
- Độ sóng bề mặt.
- Độ nhám bề mặt (được
tạo thành bằng những vết lồi, lõm dưới tác dụng của lưỡi cắt).
Hình 1. Các dạng bề mặt gia công
Bề mặt có thể có độ sóng và độ nhám cao (bề mặt 1 trên hình 1), độ sóng và
độ nhám vừa phải (bề mặt 2 trên hình 1), bề mặt tương đối bằng phẳng nhưng có độ
nhám cao (bề mặt 3 trên hình 1) hoặc bề mặt phẳng với độ nhám thấp hơn (bề mặt
4 trên hình 1).
Sai số hình dáng hình học là một trong những yếu tố của độ chính xác gia
công, vì vậy các sai số này được nghiên cứu sâu ở chương 3 (độ chính xác gia
công).
Độ sóng bề mặt xuất hiện khi gia công có rung động của hệ thống công nghệ
(Máy - Dao – Đồ gá – Chi tiết gia công), quá trình cắt không liên tục, độ đảo
của dụng cắt,… thông thường độ sóng bề mặt xuất hiện khi gia công các chi tiết
có kích thước vừa và lớn bằng các phương pháp tiện, phay và mài.
Bề mặt chi tiết được gia công bằng các dụng cụ có lưỡi cắt (dao tiện, dao
phay, dao bào,…) có độ nhám với các đặc tính khác nhau:
Hình 2. Độ nhám dọc (a) và độ nhám ngang (b)
- Độ nhám dọc (trùng
với phương của vectơ tốc độ cắt – hình 2 a).
- Độ nhám ngang (vuông
góc với phương của vectơ tốc độ cắt, hình 2 b).
Độ nhám dọc xuất hiện khi lực cắt có biến đổi gay ra rung động. Ngoài ra,
độ nhám dọc còn xuất hiện do nguyên nhân của lẹo dao (hiện tượng lớp kim loại
bị dính chặt trên mũi dao).
Độ nhám ngang thông thường lớn hơn độ nhám dọc. Khi gia công tinh bằng bề
mặt bằng dụng cụ hạt mài, độ nhám bề mặt theo các phương ngang và dọc gần như
nhau.
Chất lượng bề mặt gia công phụ thuộc vào những yếu tố sau đây:
-
Tính chất của vật liệu gia công.
- Phương pháp gia công
(tiện, bào, phay, mài, ...).
- Chế độ cắt (tốc độ
cắt, lượng chạy dao, chiều sâu cắt).
- Độ cứng vững của hệ thống công nghệ gồm Máy-Dao-Đồ
gá-Chi tiết gia công.
- Thông số hình học của
dao.
- Cách dùng dung dịch
trơn nguội.
Mỗi yếu tố để đánh giá chất lượng bề mặt gia công đều cần phải xem xét kỹ lưỡng, theo điều kiện kỹ thuật của máy móc, hoặc căn cứ theo yêu cầu của đơn hàng, ta nghiên cứu Đồ gá đặt và Dụng cụ cắt gọt cho phù hợp với Phương pháp gia công để vừa nâng cao năng suất vừa tăng chất lượng sản phẩm.