Hiển thị bài đăng được sắp xếp theo mức độ liên quan cho truy vấn chất lượng gia công. Sắp xếp theo ngày Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị bài đăng được sắp xếp theo mức độ liên quan cho truy vấn chất lượng gia công. Sắp xếp theo ngày Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Hai, 12 tháng 10, 2020

Công nghệ Chế tạo máy | CHẤT LƯỢNG BỀ MẶT GIA CÔNG | YCK2020

CHẤT LƯỢNG BỀ MẶT GIA CÔNG | YCK2020

Gia công chi tiết bằng cắt gọt là một phương pháp điển hình trong chế tạo máy. Ở đó, ta đánh giá chất lượng chi tiết được gia công bằng nhiều yếu tố: độ chính xác về kích thước, hình dạng hình học, độ tương quan giữa các bề mặt, ... và chất lượng bề mặt gia công là một yếu tố quan trọng phải kể đến.

Tags: 

Chất lượng bề mặt gia công được đánh giá bằng hai yếu tố đặc trưng:

          - Tính chất cơ lý của lớp kim loại bề mặt.

          - Độ nhám bề mặt.

Chất lượng của lớp kim loại bề mặt được tạo thành bởi tính chất của kim loại và phương pháp gia công cơ. Trong quá trình gia công cơ dưới tác dụng của lưỡi cắt dụng cụ, trên bề mặt kim loại tạo thành những vết lồi, lõm và cấu trúc của lớp bề mặt cũng thay đổi (lớp bề mặt bị biến dạng dẻo và tạo thành biến cứng, đồng thời xuất hiện ứng xuất dư).

Mức độ biến cứng và chiều sâu biến cứng phụ thuộc vào phương pháp gia công và chế độ cắt (lượng chạy dao, chiều sâu cắt và tốc độ cắt). Khi tăng lượng chạy dao và tốc độ cắt, chiều sâu biến cứng tăng lên, ngược lại khi tăng tốc độ cắt thì chiều sâu biến cứng giảm xuống.

Các sai số của bề mặt gia công được phân biệt theo dấu hiệu hình học như sau:

Sai số hình dáng (độ ô van, độ côn, độ tang trống, độ đa cạnh,...)

          Độ sóng bề mặt.

          Độ nhám bề mặt (được tạo thành bằng những vết lồi, lõm dưới tác dụng của lưỡi cắt).


Hình 1. Các dạng bề mặt gia công

Bề mặt có thể có độ sóng và độ nhám cao (bề mặt 1 trên hình 1), độ sóng và độ nhám vừa phải (bề mặt 2 trên hình 1), bề mặt tương đối bằng phẳng nhưng có độ nhám cao (bề mặt 3 trên hình 1) hoặc bề mặt phẳng với độ nhám thấp hơn (bề mặt 4 trên hình 1).

Sai số hình dáng hình học là một trong những yếu tố của độ chính xác gia công, vì vậy các sai số này được nghiên cứu sâu ở chương 3 (độ chính xác gia công).

Độ sóng bề mặt xuất hiện khi gia công có rung động của hệ thống công nghệ (Máy - Dao – Đồ gá – Chi tiết gia công), quá trình cắt không liên tục, độ đảo của dụng cắt,… thông thường độ sóng bề mặt xuất hiện khi gia công các chi tiết có kích thước vừa và lớn bằng các phương pháp tiện, phay và mài.

Bề mặt chi tiết được gia công bằng các dụng cụ có lưỡi cắt (dao tiện, dao phay, dao bào,…) có độ nhám với các đặc tính khác nhau:

                                

               Hình 2. Độ nhám dọc (a) và độ nhám ngang (b)

          Độ nhám dọc (trùng với phương của vectơ tốc độ cắt – hình 2 a).

          Độ nhám ngang (vuông góc với phương của vectơ tốc độ cắt, hình 2 b).

Độ nhám dọc xuất hiện khi lực cắt có biến đổi gay ra rung động. Ngoài ra, độ nhám dọc còn xuất hiện do nguyên nhân của lẹo dao (hiện tượng lớp kim loại bị dính chặt trên mũi dao).

Độ nhám ngang thông thường lớn hơn độ nhám dọc. Khi gia công tinh bằng bề mặt bằng dụng cụ hạt mài, độ nhám bề mặt theo các phương ngang và dọc gần như nhau.

          Chất lượng bề mặt gia công phụ thuộc vào những yếu tố sau đây:

          - Tính chất của vật liệu gia công.

          - Phương pháp gia công (tiện, bào, phay, mài, ...).

          Chế độ cắt (tốc độ cắt, lượng chạy dao, chiều sâu cắt).

          - Độ cứng vững của hệ thống công nghệ gồm Máy-Dao-Đồ gá-Chi tiết gia công.

          - Thông số hình học của dao.

          - Cách dùng dung dịch trơn nguội.

Mỗi yếu tố để đánh giá chất lượng bề mặt gia công đều cần phải xem xét kỹ lưỡng, theo điều kiện kỹ thuật của máy móc, hoặc căn cứ theo yêu cầu của đơn hàng, ta nghiên cứu Đồ gá đặt và Dụng cụ cắt gọt cho phù hợp với Phương pháp gia công để vừa nâng cao năng suất vừa tăng chất lượng sản phẩm.




 Bạn muốn tìm kiếm gì không?

Thứ Ba, 15 tháng 3, 2022

Công nghệ chế tạo máy - Các yếu tố ảnh hưởng đến chất lượng bề mặt chi tiết #2.3 Tải về giáo trình word

Trong gia công cơ khí nói chung, cơ khí chính xác nói riêng,  ngoài việc đạt kích thước chi tiết theo bản vẽ đã được các kĩ sư thiết kế, chúng ta cần phải chú ý tới các yêu cầu kĩ thuật của chi tiết. Một trong các yêu cầu kĩ thuật quan trọng là Chất lượng bề mặt chi tiết máy

Để nghiên cứu về Chất lượng bề mặt chi tiết máy,  trước tiên ta cần tìm hiểu kĩ «Các yếu tố đặc trưng cho chất lượng bề mặt chi tiết máy», sau đó phân tích «Ảnh hưởng của chất lượng bề mặt tới khả năng làm việc của chi tiết máy » và «Các yếu tố ảnh hưởng đến chất lượng bề mặt chi tiết«. Trong loạt bài viết này, Blog Yêu cơ khí mời các bạn tìm hiểu «Chất lượng bề mặt chi tiết máy» trong chủ đề Giáo trình công nghệ chế tạo máy được phát hành tại địa chỉ https://yck2020.blogspot.com. Bạn có thể tải về file word bài viết này để học tập và tham khảo.

Các yếu tố ảnh hưởng đến chất lượng bề mặt chi tiết 

Trạng thái và tính chất của lớp bề mặt chi tiết máy trong quá trình gia công do nhiều yếu tố công nghệ quyết định như tính chất vật liệu, thông số công nghệ, vật liệu dao, sự rung động trong quá trình gia công, dung dịch trơn nguội ... 

Người ta chia các yếu tố ảnh hưởng đến chất lượng bề mặt thành 3 nhóm: 

  • Các yếu tố ảnh hưởng mang tính in dập hình học của dụng cụ cắt và của thông số công nghệ lên bề mặt gia công. 

  • Các yếu tố ảnh hưởng phụ thuộc vào biến dạng dẻo của lớp bề mặt. 

  • Các yếu tố ảnh hưởng do rung động máy, dụng cụ, chi tiết gia công. 

1. Ảnh hưởng đến độ nhám bề mặt 

a) Các yếu tố mang tính in dập hình học của dụng cụ cắt và chế độ cắt  

Để nghiên cứu, ta xét phương pháp tiện. Qua thực ngiệm, người ta đã xác định mối quan hệ giữa các thông số: độ nhấp nhô tế vi Rz, lượng tiến dao S, bán kính mũi dao r, chiều dày phoi nhỏ nhất có thể cắt được hmin. Tùy theo giá trị thực tế của lượng chạy dao S mà ta có thể xác định mối quan hệ trên như sau: 

Ở đây, hmin phụ thuộc bán kính r của mũi dao: 

 + Nếu mài lưỡi cắt bằng đá kim cương mịn, lúc đó r = 10 μm thì hmin = 4μm. 

 + Mài dao hợp kim cứng bằng đá thường nếu r = 40 μm thì hmin > 20 μm. 

- Khi S quá nhỏ (< 0,03 mm/vg) thì trị số của Rz lại tăng, tức là khi gia công tinh với S quá nhỏ sẽ không có ý nghĩa đối với việc cải thiện chất lượng bề mặt chi tiết vì xẩy ra hiện tượng trượt mà không tạo thành phoi. Chiều sâu cắt t cũng có ảnh hưởng tương tự như lượng chạy dao đối với chiều cao nhấp nhô tế vi, nếu bỏ qua độ đảo của trục chính máy. 

Các thông số hình học của lưỡi cắt, đặc biệt là góc trước ó và độ mòn có ảnh hưởng đến Rz. Khi góc ó tăng thì Rz giảm, độ mòn dụng cụ tăng thì Rz tăng. 

Ngoài ảnh hưởng đến nhám bề mặt, hình dáng hình học của dụng cụ cắt và chế độ cắt cũng ảnh hưởng đến lớp biến cứng bề mặt và được tính đến qua hệ số hiệu chỉnh. 

Ví dụ: Xét sự ảnh hưởng của hình dạng hình học của dụng cụ cắt và chế độ cắt đến chất lượng bề mặt chi tiết khi tiện. 

Sau một vòng quay của phôi, dao tiện sẽ dịch chuyển một đoạn là S1 từ vị trí 1 đến vị trí 2 (hình 2.6a). Trên bề mặt gia công sẽ bị chừa lại phần kim loại m không được hớt đi bởi dao. Chiều cao nhấp nhô Rz xác định bởi S1 và hình dạng hình học của dao cắt. 

Nếu giảm lượng chạy dao thì chiều cao nhấp nhô cũng giảm (hình 2.6b). 

Thay đổi giá trị góc ϕ và ϕ1 không những làm thay đổi chiều cao nhấp nhô mà còn làm thay đổi cả hình dạng nhấp nhô (hình 2.6c). 

Nếu bán kính mũi dao có dạng tròn r1 thì nhấp nhô cũng có đáy lõm tròn (hình 2.6d). 

Nếu tăng bán kính mũi dao lên r2 thì chiều cao nhấp nhô Rz sẽ giảm (hình 2.6e). 

Khi bán kính đỉnh r nhỏ và lượng chạy dao S lớn, ngoài phần cong của lưỡi cắt, phần thẳng cũng tham gia vào việc ảnh hưởng đến hình dạng và chiều cao nhấp nhô (hình 2.6f) 

b) Các yếu tố phụ thuộc biến dạng dẻo của lớp bề mặt 

Khi gia công vật liệu dẻo, bề mặt ngoài sẽ biến dạng rất nhiều làm cho cấu trúc của nó thay đổi. Khi đó, hình dạng hình học và độ nhấp nhô đều thay đổi. Khi gia công vật liệu giòn, có một số phần nhỏ lại phá vỡ, làm tăng độ nhấp nhô bề mặt. 

1. Tốc độ cắt V là yếu tố cơ bản nhất, ảnh hưởng tới sự phát triển của biến dạng dẻo khi tiện: 

- Khi cắt thép Cacbon ở vận tốc thấp, nhiệt cắt không cao, phoi kim loại tách dễ, biến dạng của lớp bề mặt không nhiều, vì vậy độ nhám bề mặt thấp. Khi tăng vận tốc cắt đến khoảng V = 20 - 40 m/ph thì nhiệt cắt, lực cắt đều tăng và có giá trị lớn, gây ra biến dạng dẻo mạnh, ở mặt trước và mặt sau dao kim loại bị chảy dẻo. Khi lớp kim loại bị nén chặt ở mặt trước dao và nhiệt độ cao làm tăng hệ số ma sát ở vùng cắt sẽ hình thành lẹo dao. Lẹo dao làm tăng độ nhám bề mặt gia công. Nếu tiếp tục tăng vận tốc cắt, lẹo dao bị nung nóng nhanh hơn, vùng kim loại biến dạng bị phá hủy, lực dính của lẹo dao không thắng nổi lực ma sát của dòng phoi và lẹo dao bị cuốn đi (lẹo dao biến mất khi vận tốc cắt khoảng V = 30 - 60 m/ph). Với vận tốc cắt V > 60 m/ph 

thì lẹo dao không hình thành được nên độ nhám bề mặt gia công giảm, độ nhẵn tăng. 

- Khi gia công kim loại giòn (gang), các mảnh kim loại bị trượt và vỡ ra không có thứ tự làm tăng độ nhấp nhô tế vi bề mặt. Tăng vận tốc cắt sẽ giảm được hiện tượng vỡ vụn của kim loại, làm tăng độ nhẵn bóng của bề mặt gia công. 

2. Lượng chạy dao S là thành phần thứ hai của chế độ cắt ảnh hưởng nhiều đến chiều cao nhấp nhô Rz. Điều đó không những do liên quan về hình học của dao mà còn do biến dạng dẻo và biến dạng đàn hồi của lớp bề mặt. 

Khi gia công thép Carbon, với giá trị lượng chạy dao S = 0,02 - 0,15 mm/vg thì bề mặt gia công có độ nhấp nhô tế vi thấp nhất. Nếu giảm S < 0,02 mm/vg thì độ nhấp nhô tế vi sẽ tăng lên, độ nhẵn bóng bề mặt giảm vì ảnh hưởng của biến dạng dẻo lớn hơn ảnh hưởng của các yếu tố hình học. Nếu lượng chạy dao S > 0,15 mm/vg thì biến dạng đàn hồi sẽ ảnh hưởng đến sự hình thành các nhấp nhô tế vi, kết hợp với ảnh hưởng của các yếu tố hình học làm cho độ nhám bề mặt tăng lên nhiều. 

Như vậy, để đảm bảo đạt độ nhẵn bóng bề mặt và năng suất cao nên chọn giá trị lượng chạy dao S = 0,05 - 0,12 mm/vg đối với thép Carbon. 

3. Chiều sâu cắt t cũng có ảnh hưởng tương tự như lượng chạy dao S đến độ nhám bề mặt gia công, nhưng trong thực tế, người ta thường bỏ qua ảnh hưởng này. Vì vậy, trong quá trình gia công người ta chọn trước chiều sâu cắt t. Nói chung, không nên chọn giá trị chiều sâu cắt quá nhỏ vì khi đó lưỡi cắt sẽ bị trượt và cắt không liên tục. Giá trị chiều sâu cắt t ≥ 0,02 - 0,03 (mm). 

4. Tính chất vật liệu cũng có ảnh hưởng đến độ nhám bề mặt chủ yếu là do khả năng biến dạng dẻo. Vật liệu dẻo và dai (thép ít Cacbon) dễ biến dạng dẻo sẽ cho độ nhám bề mặt lớn hơn vật liệu cứng và giòn. Khi gia công thép Carbon, để đạt độ nhám bề mặt thấp, người ta thường tiến hành thường hóa ở nhiệt độ 850 - 8700C (hoặc tôi thấp) trước khi gia công. Để cải thiện điều kiện cắt và nâng cao tuổi thọ dụng cụ cắt người ta thường tiến hành ủ ở 9000C trong 5 giờ để cấu trúc kim loại có hạt nhỏ và đồng đều. 

c) Ảnh hưởng do rung động của hệ thống công nghệ đến chất lượng bề mặt 

Quá trình rung động trong hệ thống công nghệ tạo ra chuyển động tương đối có chu kỳ giữa dụng cụ cắt và chi tiết gia công, làm thay đổi điều kiện ma sát, gây nên độ sóng và nhấp nhô tế vi trên bề mặt gia công. 

Sai lệch của các bộ phận máy làm cho chuyển động của máy không ổn định, hệ thống công nghệ sẽ có dao động cưỡng bức, nghĩa là các bộ phận máy khi làm việc sẽ có rung động với những tần số khác nhau, gây ra sóng dọc và sóng ngang trên bề mặt gia công với bước sóng khác nhau. Khi hệ thống công nghệ có rung động, độ sóng và độ nhấp nhô tế vi dọc sẽ tăng nếu lực cắt tăng, chiều sâu cắt lớn và tốc độ cắt cao. Tình trạng máy có ảnh hưởng quyết định đến độ nhám của bề mặt gia công. Muốn đạt độ nhám bề mặt gia công thấp, trước hết phải đảm bảo đủ cứng vững, phải điều chỉnh máy tốt và giảm ảnh hưởng của các máy khác xung quanh. 

2.3.2. Ảnh hưởng đến độ biến cứng bề mặt 

Khi tăng lực cắt, nhiệt cắt và mức độ biến dạng dẻo thì mức độ biến cứng bề mặt tăng. Nếu kéo dài tác dụng của lực cắt, nhiệt cắt trên bề mặt kim loại sẽ làm tăng chiều sâu lớp biến cứng bề mặt. Nếu góc trước ó tăng từ giá trị âm đến giá trị dương thì mức độ và chiều sâu biến cứng bề mặt chi tiết giảm. 

Vận tốc cắt tăng làm giảm thời gian tác động của lực gây ra biến dạng kim loại, do đó làm giảm chiều sâu biến cứng và mức độ biến cứng bề mặt. 

Qua thực nghiệm, người ta có kết luận:   

- V < 20 m/ph: chiều sâu lớp biến cứng tăng theo giá trị của vận tốc cắt 

- V > 20 m/ph: chiều sâu lớp biến cứng giảm theo giá trị của lượng chạy dao.

Ngoài ra, biến cứng bề mặt cũng tăng nếu dụng cụ cắt bị mòn, bị cùn. 

2.3.3. Ảnh hưởng đến ứng suất dư bề mặt 

Quá trình hình thành ứng suất dư bề mặt khi gia công phụ thuộc vào sự biến dạng đàn hồi, biến dạng dẻo, biến đổi nhiệt và hiện tượng chuyển pha trong cấu trúc kim loại. Quá trình này rất phức tạp. 

* Đối với dụng cụ hạt mài: Các chi tiết gia công bằng hạt mài tự do (mài nghiền) thường có ứng suất dư kéo, còn nếu mài bằng đai mài hoặc đá mài thì có ứng suất dư nén. 

* Đối với dụng cụ có lưỡi cắt: Ta xét quá trình bào: 

Lực cắt R được phân thành lực pháp tuyến N và lực tiếp tuyến P. 

Lực cắt R làm cho lớp bề mặt gia công bị biến dạng dẻo và biến dạng đàn hồi. Lực pháp tuyến N gây ra ứng suất nén. Lực tiếp tuyến P gây ra ứng suất cắt (trượt và kéo). 

   Như vậy, điều kiện để tạo ra ứng suất nén (ứng suất nén có lợi cho độ bền mỏi của chi tiết máy) trên bề mặt gia công sẽ là: 


Bạn có trao đổi gì về nội dung này không? Hãy để lại Comment trong phần Nhận xét cuối bài đăng nhé. Bài viết này thuộc chủ đề công bố trên Blog Yêu Cơ Khí #YCK2020 - Kênh chia sẻ kiến thức về Công nghệ Chế tạo máy. ------------------- Nội dung liên quan:

 Bạn muốn tìm kiếm gì không?

Chủ Nhật, 5 tháng 9, 2021

14 vấn đề cốt lõi, cần đạt được trong Phương Pháp Thiết Kế Quy Trình Công Nghệ Chế tạo máy

Chào các bạn, để giúp cho các bạn sinh viên nghiên cứu một cách thuận lợi các nội dung học phần Công Nghệ Chế Tạo Máy 2 trong chương trình học tập ngành Chế tạo máy được tốt, Blog Yêu cơ khí chia sẻ 14 vấn đề cốt lõi, cần đạt được khi học Chương 1. Phương Pháp Thiết Kế Quy Trình Công Nghệ.  Bạn cũng có thể để lại yêu cầu để tải file tài liệu này về máy tính của mình.
Đây là hướng dẫn tự học môn: Công nghệ chế tạo máy 2 thông qua các nội dung cơ bản cần đạt được.

 14 vấn đề cốt lõi, cần đạt được khi học Chương 1. Phương Pháp Thiết Kế Quy Trình Công Nghệ

Cong nghe che tao may

Quy trình công nghệ thực tế được giới thiệu bởi www.cokhimha.com


Nội dung chính: (14 vấn đề cơ bản - quan trọng nhất!)
1. Mục đích của thiết kế quy trình công nghệ trong chế tạo máy là gì?
2. Muốn thiết kế quy trình công nghệ phải có các tài liệu ban đầu nào?
3. Trình tự thiết kế quy trình công nghệ.
4. Lập quy trình công nghệ phải xác định được kích thước và chọn loại phôi thích hợp.
5. Lập quy trình công nghệ phải xác định được kích thước và chọn loại phôi thích hợp. Chọn loại phôi phải căn cứ vào các yếu tố nào?
6. Muốn chọn phôi hợp lý phải nắm vững các yêu cầu nào?
7. Thiết kế quy trình công nghệ các nguyên công theo thứ tự nào?
8. Khi thiết kế quy trình công nghệ, máy công cụ được chọn theo nguyên tắc nào?
9. Khi thiết kế quy trình công nghệ, xác định chuẩn công nghệ, phương án gá đặt và trang bị công nghệ như thế nào?
10. Khi thiết kế quy trình công nghệ gia công, việc xác định các thông số công nghệ có ảnh hưởng như thế nào?
11. Khi thiết kế quy trình công nghệ, cần xác định các thông số công nghệ  cơ bản nào?
12. Khi thiết kế quy trình công nghệ, xác định thông số công nghệ được thực hiện theo thứ tự như thế nào?
13. Khi thiết kế quy trình công nghệ, xác định mức thời gian gia công từng chiếc được xác định theo công thức nào?
14. Khi thiết kế quy trình công nghệ, người ta dựa vào chi phí sản xuất ứng với từng phương án công nghệ để xác định phương án tối ưu như thế nào?
Chi tiết ngay ở đây, hi vọng bài viết này hữu ích cho các bạn, mời bạn tham khảo nhé.

Công nghệ chế tạo máy 2 - PHƯƠNG PHÁP THIẾT KẾ QUY TRÌNH CÔNG NGHỆ

1. Mục đích của thiết kế quy trình công nghệ trong chế tạo máy là:

- Hướng dẫn công nghệ.
- Lập chỉ tiêu kinh tế, kỹ thuật.
- Kế hoạch sản xuất.
- Điều hành sản xuất.

2. Muốn thiết kế quy trình công nghệ phải có các tài liệu ban đầu sau:

- Bản vẽ chế tạo của chi tiết với đầy đủ mặt cắt, hình chiếu (ghi đầy đủ kích thước, dung sai và các điều kiện kỹ thuật khác, ghi rõ những chỗ cần gia công đặc biệt, vật liệu, phương pháp nhiệt luyện, độ cứng yêu cầu).
- Sản lượng chi tiết kể cả thành phần dự trữ cùng những điều kiện hạn chế khác của sản phẩm.
- Hình vẽ bộ phận của sản phẩm, trong đó có chi tiết gia công.
- Những tài liệu về thiết bị, máy công cụ, dụng cụ, đồ gá.
- Các sổ tay công nghệ chế tạo máy.

3. Trình tự thiết kế quy trình công nghệ

- Nghiên cứu bản vẽ chi tiết, kiểm tra tính công nghệ trong kết cấu của chi tiết gia công.
- Phân loại chi tiết.
- Xác định dạng sản xuất.
- Chọn phôi và phương pháp chế tạo phôi.
- Xác định chuẩn và chọn cách định vị.
- Lập thứ tự các nguyên công.
- Chọn máy cho mỗi nguyên công.
- Tính hoặc tra bảng lượng dư cho các nguyên công, các bề mặt. Xác định kích thước cần thiết của phôi.
- Chọn dụng cụ cắt, dụng cụ đo tiêu chuẩn. Thiết kế dụng cụ đặc biệt.
- Chọn đồ gá tiêu chuẩn. Thiết kế đồ gá chuyên dùng.
- Xác định chế độ cắt.
- Định bậc thợ công nhân.
- Lập các phiếu công nghệ.
Nội dung các bước trên đều cần thiết không thể thiếu, tuy vậy mức độ thì khác nhau tùy theo dạng sản xuất và điều kiện cụ thể.

4. Lập quy trình công nghệ phải xác định được kích thước và chọn loại phôi thích hợp. 

Kích thước của phôi được xác định theo lượng dư gia công. 

5. Lập quy trình công nghệ phải xác định được kích thước và chọn loại phôi thích hợp. Chọn loại phôi phải căn cứ vào các yếu tố sau:

+ Vật liệu và cơ tính của vật liệu chi tiết gia công.
+ Kích thước, hình dáng và kết cấu của chi tiết.
+ Sản lượng hàng năm hoặc dạng sản xuất.
+ Cơ sở vật chất kỹ thuật của doanh nghiệp.

6. Muốn chọn phôi hợp lý phải nắm vững các yêu cầu:

- Thiết kế;
- Đặc tính các loại vật liệu, các loại phôi;
- Công dụng của từng loại phôi;
- Hệ số sử dụng vật liệu (chi phí gia công).

7. Thiết kế quy trình công nghệ các nguyên công theo thứ tự:

Bước 1. Chọn máy
Bước 2. Xác định chuẩn công nghệ, phương án gá đặt và trang bị công nghệ
Bước 3. Xác định các thông số công nghệ
Bước 4. Định mức thời gian gia công
Bước 5. So sánh các phương pháp công nghệ
thiết kế quy trình công nghệ

Thiết kế quy trình công nghệ

8. Khi thiết kế quy trình công nghệ, máy công cụ được chọn theo nguyên tắc sau:

+ Kiểu máy được chọn phải đảm bảo thực hiện được phương pháp gia công đã chọn.
+ Kích thước, phạm vi của máy phù hợp với chi tiết gia công.
+ Máy được chọn phải có độ chính xác phù hợp với yêu cầu gia công.
+ Công suất và thông số công nghệ của máy phải đảm bảo chất lượng và năng suất gia công.
+ Chọn máy phù hợp với dạng sản xuất.

9. Khi thiết kế quy trình công nghệ, xác định chuẩn công nghệ, phương án gá đặt và trang bị công nghệ như thế nào?

Tùy theo dạng sản xuất để chọn trang thiết bị tiêu chuẩn, vạn năng hay chuyên dùng. Ví dụ, ở dạng sản xuất đơn chiếc, nên sử dụng máy vạn năng và đồ gá vạn năng như mâm kẹp, êtô, ụ chia độ; ở dạng sản xuất loạt vừa, nên chọn máy công cụ vạn năng và thiết kế đồ gá chuyên dùng; ở dạng sản xuất loạt lớn, hàng khối, nên chọn thiết kế máy chuyên dùng và đồ gá chuyên dùng.

10. Khi thiết kế quy trình công nghệ gia công, việc xác định các thông số công nghệ có ảnh hưởng như thế nào?

Các thông số công nghệ có ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng gia công và hiệu quả kinh tế của quá trình công nghệ. Giá trị của thông số công nghệ phải được xác định hợp lý theo yêu cầu kỹ thuật và đảm bảo chất lượng gia công.

11. Khi thiết kế quy trình công nghệ, cần xác định các thông số công nghệ  cơ bản nào?

Thông số công nghệ cơ bản bao gồm: vận tốc cắt, số vòng quay trục chính, lượng tiến dao, chiều sâu cắt, số lần cắt.
Giá trị thông số công nghệ phụ thuộc vào phương pháp gia công, loại máy công cụ, dụng cụ, tính chất vật liệu gia công, trạng thái phôi…
Thông số công nghệ được xác định theo các sổ tay công nghệ bằng cách tính hoặc tra bảng rồi đối chiếu với phạm vi giá trị thực hiện có trên máy, kết hợp với việc kiểm tra công suất máy. Nếu các thông số công nghệ không phù hợp hoặc máy không đáp ứng công suất thì chọn lại máy khác.

12. Khi thiết kế quy trình công nghệ, xác định thông số công nghệ được thực hiện theo thứ tự sau:

+ Xác định chiều sâu cắt t.
+ Xác định bước tiến dao St
+ Xác định vận tốc cắt vt.
+ Tính số vòng quay trục chính nt đơn vị là rpm.
+ Đối chiếu số vòng quay nt, bước tiến dao St với giá trị có thực trên máy, lấy giá trị gần nhất kí hiệu Sm, đơn vị là mm.
+ Tính công suất cắt Nc (W).
+ Kiểm tra công suất Nm > Nc.

13. Khi thiết kế quy trình công nghệ, xác định mức thời gian gia công từng chiếc được xác định theo công thức sau:

Ttc = to + tp + tpv + ttn
* Thời gian cơ bản (to) khi gia công cơ là thời gian trực tiếp cắt gọt vật liệu, hay còn gọi là thời gian máy. Thời gian cơ bản tuỳ từng phương pháp gia công có công thức tính cụ thể. Ví dụ, khi tiện, thời gian cơ bản được tính theo công thức sau: to = i . Trong đó: i - số lần chạy dao;   L - chiều dài gia công (mm);   N - số vòng quay trục chính (v/ph);   S - bước tiến dao (mm/v).
* Thời gian phụ (tp) là thời gian gá đặt, tháo kẹp, bật máy … Giá trị thời gian phụ được tra trong các sổ tay định mức thời gian.
* Thời gian phục vụ kỹ thuật và tổ chức (tpv) là thời gian lau chùi máy, dọn phoi, chuyển phôi…  Tpv = (to + tp) ; Trong đó: a - hệ số thời gian tra trong sổ tay định mức.
* Thời gian nghỉ ngơi tự nhiên (ttn) là thời gian dành cho nhu cầu tự nhiên như vệ sinh cá nhân: ttn = (to + tp) . Trong đó: b - hệ số tra trong các sổ tay định mức.

14. Khi thiết kế quy trình công nghệ, người ta dựa vào chi phí sản xuất ứng với từng phương án công nghệ để xác định phương án tối ưu.

So sánh các phương pháp công nghệ là phân tích đánh giá chúng về hiệu quả kinh tế - kỹ thuật để chọn phương pháp tối ưu theo điều kiện sản xuất cụ thể.

Chi phí sản xuất ứng với từng phương án công nghệ được xác định như sau: 

C = Cv + CL(a+b) + CM + CD + CG (đồng/năm)
Trong đó: Cv – chi phí vật liệu; CL – chi phí về lương cho công nhân sản xuất; a - hệ số tiền thưởng, phụ cấp; b - hệ số chi phí quản lý, điều hành; CM – chi phí máy; CD – chi phí về dụng cụ; CG – chi phí về đồ gá.
Giá thành gia công G là đại lượng quan trọng để đánh giá hiệu quả kinh tế của phương án công nghệ.  đơn vị của G là đồng/chiếc.
Trong đó: N - sản lượng hàng năm.
Phương án tối ưu sẽ là phương án có giá thành gia công thấp nhất (Gmin).

Lời kết

Như vậy, Blog Yêu Cơ khí – Kênh chia sẻ kiến thức về Công nghệ chế tạo máy đã hướng dẫn bạn học tốt Học phần Công nghệ Chế tạo máy thông qua “14 vấn đề cốt lõi, cần đạt được khi học Chương 1. Phương Pháp Thiết Kế Quy Trình Công Nghệ”.  Bạn cũng có thể để lại yêu cầu trong phần Nhận xét cuối bài viết, chúng tôi sẽ gửi link tải để tải file tài liệu Công nghệ chế tạo máy full này về máy tính của mình nha.
Bạn có trao đổi gì về nội dung 14 vấn đề cốt lõi, cần đạt được khi học Chương 1. Phương Pháp Thiết Kế Quy Trình Công Nghệ này không? Hãy để lại Comment trong phần Nhận xét cuối bài đăng nhé. Bài viết này thuộc chủ đề "Phương Pháp Thiết Kế Quy Trình Công Nghệ trong Công nghệ Chế tạo máy"  công bố trên Blog Yêu Cơ Khí #YCK2020 - Kênh chia sẻ kiến thức về Công nghệ Chế tạo máyChúc bạn thành công.

Thứ Sáu, 12 tháng 11, 2021

Phương pháp gia công nguội - YCK2020 - Công nghệ chế tạo máy

Gia công cơ khí bao gồm nhiều phương pháp khác nhau, trong đó, gia công nguội là phương pháp đã có từ lâu đời, ra đời sau gia công đúc và gia công rèn. Nghề nguội hay gia công nguội nhằm cung cấp các sản phẩm cơ khí có dạng cơ cấu, thiết bị và máy mà hai phương pháp gia công trước đó không thể thực hiện được.

Gia công nguội là gì? Các kỹ thuật trong gia công nguội như thế nào? Nội dung bài này sẽ giải đáp cho các bạn.

Bạn có thể tìm lại bài viết này với từ khóa:             

Nội dung bao gồm:

  1. Gia công nguội là gì?

  2. Đặc điểm của gia công nguội

  3. Trang thiết bị, dụng cụ trong gia công nguội.

  4. Các kỹ thuật trong gia công nguội.

- Kỹ thuật vạch dấu

- Kỹ thuật đục

- Kỹ thuật dũa

- Kỹ thuật cưa

- Kỹ thuật khoan

- Kỹ thuật doa

1. Gia công nguội là gì?

Gia công nguội là phương pháp gia công cơ khí bằng tay hoặc có thể kết hợp với máy để hoàn thiện sản phẩm ở khâu cuối cùng.

Nghề nguội được phân làm 3 loại:

- Nguội chế tạo: nhằm tạo ra những chi tiết máy mới.

- Nguội sửa chữa: là công việc sửa chữa, làm lại hoặc làm bổ sung những chi tiết máy bị hỏng, điều chỉnh lại máy móc để làm việc ở trạng thái bình thường.

- Nguội lắp ráp: nhằm tập hợp những chi tiết máy thành máy móc và thiết bị hoàn chỉnh.

Đến đây bạn đã biết cách phân loại nghề nguội rồi phải không. Ta sẽ tiếp tục tìm hiểu về Đặc điểm phương pháp gia công nguội nhé.

2. Đặc điểm của gia công nguội

- Có thể chế tạo được những chi tiết mà các phương pháp gia công khác không thể thực hiện được.

- Có mặt mọi nơi, nhất là ở những nơi thiếu hoặc không có thiết bị gia công cơ khí.

-Tạo ra các sản phẩm có độ chính xác cao.

- Tốn nhiều thời gian và sức lực hơn các phương pháp gia công khác.

- Các chi tiết, sản phẩm được gia công không giống nhau về hình dáng, kích thước và không có độ đồng đều giữa các sản phẩm.

3. Trang thiết bị, dụng cụ trong gia công nguội

Trang thiết bị trong gia công nguội bao gồm:

- Bàn nguội: là một bàn được cấu tạo đặc biệt của thợ nguội, trên đó người thợ tiến hành sản xuất. Bàn nguội được gia công chắc chắn, không bị xê dịch và ít rung động khi làm việc, phải có các ngăn kéo để sắp đặt dụng cụ.

- Ê tô (bàn kẹp): là dụng cụ dùng để kẹp chặt chi tiết trong quá trình gia công.

- Máy khoan: là thiết bị dùng để tạo lỗ cơ bản. Tùy theo kích chi tiết cần gia công mà có thể chọn các kiểu máy khoan phù hợp.

- Máy mài: dùng để mài sửa dụng cụ gia công.

Dụng cụ trong gia công nguội có thể kể tới gồm:

- Dụng cụ tác động (búa): là dụng cụ quan trọng để truyền lực đập từ cánh tay đến dụng cụ cắt hay trực tiếp lên vật gia công.

- Dụng cụ gia công: 

+ Đục: là loại dụng cụ cắt dùng khi cần bóc đi một lớp kim loại dày hoặc gia công các bề mặt không cần độ chính xác. 

+ Giũa: là loại dụng cụ dùng để cắt gọt lớp kim loại mỏng, gia công những vật có độ chính xác và độ bóng không cao lắm. Giũa thường dùng để gia công kim loại sau khi đục. 

+ Cưa tay: là dụng cụ cầm tay để cắt phôi liệu đạt kích thước theo yêu cầu, chia phôi và cắt bỏ phần thừa. 

+ Mũi khoan: là dụng cụ cắt dùng để gia công lỗ. 

+ Mũi cạo: là dụng cụ cắt dùng để gia công tinh sản phẩm nhằm đạt độ bóng và độ chính xác rất cao. 

- Dụng cụ đo và kiểm tra:

+ Thước lá: dùng để đo độ dài của trục, thanh hoặc xác định khoảng cách giữa các vị trí như: rãnh, lỗ, …

+ Thước cặp: là dụng đo phổ biến trong ngành cơ khí, dùng để đo những khoảng cách không lớn, đo đường kính trong, đường kính ngoài, các bề mặt trụ tròn xoay.

+ Ê ke: là dụng cụ để kiểm tra góc vuông và kiểm tra mặt phẳng, nó không xác định được trị số sai lệch.

4. Các kỹ thuật trong gia công nguội

Các công việc cơ bản trong có thể được chia thành 3 giai đoạn: 

- Giai đoạn chuẩn bị: bao gồm vạch dấu, uốn nắn kim loại. 

- Giai đoạn gia công: bao gồm đục, dũa, cưa, khoan, khoét, doa, cắt ren, cạo rà, đánh bóng. Tùy thuộc vào lượng dư trên phôi nhiều hay ít mà chọn các phương pháp gia công thích hợp. Nếu lượng kim loại cần cắt bỏ nhiều thì đục, ít thì dũa; vật cần có lỗ phải khoan, khoét, doa; cần có độ bóng phải cạo rà. 

- Giai đoạn lắp ráp: bao gồm các công việc lắp ghép các chi tiết máy hay bộ phận máy để được một sản phẩm hoàn chỉnh.

a. Kỹ thuật vạch dấu

- Vạch dấu là xác định ranh giới giữa chi tiết cần gia công với phần lượng dư. Nếu vạch dấu sai, sản phẩm gia công sẽ không đạt yêu cầu, gây lãng phí công và nguyên liệu.

- Dụng cụ vạch dấu gồm: bàn vạch dấu, mũi vạch và chấm dấu.

yck2020 - vạch dấu

- Quy trình vạch dấu

+ Chuẩn bị phôi và dụng cụ cần thiết.

+ Bôi phấn hoặc bột màu lên bề mặt của phôi.

+ Dùng dụng cụ đo và mũi vạch để vẽ hình dạng của chi tiết lên trên phôi.

+ Vạch các đường bao của chi tiết hoặc dùng chấm dấu để chấm theo đường bao đó.

yck2020 - vạch dấu

yck2020 - vạch dấu

Chú ý ki vạch dấu

- Với các chi tiết có hình dáng phức tạp, hoặc cần phải vạch dấu trên nhiều phôi liệu giống nhau, để đảm bảo hình dạng chi tiết không bị sai nên dùng dưỡng để vạch dấu.

- Khi vạch dấu trên hình khối, cần xác định đúng mặt chuẩn để gá đặt chi tiết khi lấy dấu ( đây cũng là mặt chuẩn để gá đặt chi tiết khi gia công). Mạt chuẩn này thường là mặt phẳng đáy, mặt tròn ngoài.

b. Kỹ thuật đục

- Ðục là phương pháp gia công nhằm bóc đi một lớp kim loại dư thừa trên bề mặt phôi bằng một loại dụng cụ cắt gọt là đục.

- Đục là một phương pháp gia công chủ yếu của nghề nguội, nhưng thường được sử dụng khi lượng dư lớn hơn 0,5 ÷ 1mm. 

- Gia công  bằng phương pháp đục được áp dụng trong những trường hợp các mặt gia công nhỏ, các mặt có dạng phẳng, các mặt có hình dạng phức tạp khi không gia công được trên các máy, hoặc các rãnh có hình thù bất kỳ.

- Có 3 loại đục cơ bản: Cách cầm búa và đục.

Cách cầm búa và đục

Cách cầm búa và đục: Khi đục, người thợ cầm búa bằng tay thuận và cầm đục bằng tay không thuận. Ðặt phần thân đục vào khe tay giữa ngón cái và ngón trỏ, cách đầu mút đập búa là 20 ÷ 30mm.

Cách cầm búa và đục

Tư thế đứng đục và vung búa. 

Tư thế đứng đục và vung búa.

c. Kỹ thuật dũa

Dũa là gì? Có những loại dũa nào?

- Dũa là một phương pháp gia công nguội, dùng dụng cụ là dũa để hớt bỏ đi một lượng vật liệu mỏng, và thường được dùng như là công đoạn gia công cuối cùng để hoàn thành bề mặt gia công.

- Có 5 loại dũa thường sử dụng, bao gồm:

+ Hình chữ nhật (dũa dẹp hay dũa bản) thường dùng để gia công các bề mặt phẳng.

+ Hình vuông (dũa vuông) dùng để gia công các chi tiết vai, góc vuông, hoặc lỗ vuông.

+ Hình tam giác (dũa tam giác) thường dùng để gia công các chi tiết bề mặt có góc 60 – 90 độ.

+ Hình tròn (dũa tròn) thường dùng để gia công các chi tiết bề mặt cong hoặc lỗ tròn.

+ Hình viên phân (dũa lòng mo) dùng gia công chi tiết mặt phẳng, mặt cong, và các góc bé hơn 60 độ. Đối với các góc quá bé người thợ gia công sử dụng loại dũa bản chùa để có góc mài vừa ý.

Cách cầm dũa và tư thế đứng dũa.

   

Các phương pháp dũa bao gồm:

- Dũa ngang: là thao tác dũa khi thực hiện có hướng cắt theo chiều hẹp hơn bề mặt gia công. Số răng tham gia cắt đồng thời sẽ ít hơn khi thực hiện thao tác dũa dọc, nên lực cắt cho mỗi răng dũa sẽ lớn hơn, dẫn đến chiều sâu cắt của chi tiết cũng lớn hơn. 

yck2020 - Dũa

Dũa ngang có năng suất cắt cao, tuy nhiên do cắt sâu và chiều dài tựa ngắn nên chất lượng bề mặt gia công kém. Dũa ngang thường dùng để gia công phá thô.

- Dũa dọc: là thao tác dũa có hướng cắt thực hiện theo chiều rộng hơn của bề mặt gia công. Số răng tham gia cắt đồng thời sẽ nhiều hơn trong thao tác dũa ngang, nên lực cắt cho mỗi răng giũa nhỏ hơn, chiều sâu cắt mỏng hơn.

yck2020 - Dũa

Dũa dọc là thao tác có năng suất cắt thấp, tuy nhiên do cắt mỏng và chiều dài tựa lớn nên chất lượng của bề mặt gia công tốt, thường dùng trong gia công tinh.

- Dũa đan chéo: là thao tác dũa thực hiện theo hai hướng vuông góc với nhau (thường không theo chiều ngang hay chiều dọc).

yck2020 - Dũa

Dũa đan chéo có năng suất cắt và chất lượng gia công trung bình, phương pháp dũa này thực hiện theo hướng cắt trên đỉnh nhấp nhô của hướng dũa trước đó gây ra, thường dùng đối với những người thợ có tay nghề thấp.

d. Kỹ thuật cưa

- Cưa là một trong các công đoạn của gia công nguội, và dụng cụ được dùng để thực hiện công việc cắt phôi hoặc để cắt bỏ đi các lượng dư quá lớn là cưa.

- Lưỡi cưa được lắp lên khung theo hai hướng là: lắp thuận và lắp nghịch. Thông thường người ta lắp lưỡi cưa thuận. Khi cưa các chi tiết với đường cưa sâu người gia công có thể lắp lưỡi cưa vuông góc với khung cưa.

- Tư thế tay khi tiến hành gia công

Kỹ thuật cưa yck2020

- Tư thế đứng khi cưa

Tư thế đứng khi cưa

- Các phương pháp cưa tay bao gồm:

+ Cưa theo đường thẳng: đây là kỹ thuật cưa cơ bản nhất trong phương pháp cưa, người cưa cần thực hiện đường cưa thẳng theo vết vạch dấu với độ chính xác cao nhất.

+ Cưa mở rộng: sau khi thực hiện thành thạo được cấp độ cưa cơ bản thì người thợ cơ khí cần phải thực hiện một đường cưa có bề rộng khoảng 1,5 – 2 lần bề rộng của lưỡi cưa. Để thực hiện thao tác cưa theo yêu cầu này thì người cưa phải liên tục lách lưỡi cưa qua lại để có thể mở rộng đường cưa, đồng thời phải thực hiện đúng theo đường đã vạch dấu.

+ Cưa đường cong: sau khi đã thực hiện được cấp độ cưa mở rộng thì ta nhận thấy rằng lưỡi cưa có thể nghiêng được một chút trong rãnh đã cưa, có nghĩa là ta có thể thay đổi hướng đi của đường cưa.

yck2020 Cưa đường cong

e. Kỹ thuật khoan

- Khoan là phương pháp phổ biến trong gia công nguội để tạo ra lỗ cơ sở trên vật cần gia công hoặc làm rộng lỗ đã có sẵn bằng mũi khoan.

- Khoan có khả năng tạo lỗ có đường kính từ 0,1 – 80 mm, phổ biến nhất là tạo lỗ có đường kính < 35mm bằng các mũi khoan chuyên dụng như: mũi khoan chuôi côn, mũi khoan thường, mũi khoan có lỗ làm mát, mũi khoan tâm…

- Khi chế tạo lỗ bằng mũi khoan, độ chính xác kích thước có thể đạt đến cấp 12 và độ trơn nhẵn cấp 3 - 4.

- Một số loại mũi khoan

Kỹ thuật khoan

- Các bước thực hiện khi khoan

+ Lấy dấu, xác định tâm lỗ cần khoan.

+ Chọn mũi khoan có đường kính bằng đường kính lỗ cần khoan.

+ Lắp mũi khoan vào bầu khoan

+ Kẹp vật khoan trên êtô hoặc trên bàn khoan.

+ Điều chỉnh sao cho tâm lỗ cần khoan trùng với tâm mũi khoan.

+ Khoan từ từ để mũi khoan khoan hết chiều sâu của lỗ cần khoan.

Kỹ thuật khoan

+ Kiểm tra lỗ khoan.

Những chú ý trong quá trình khoan:

- Nên khoan thử với một mũi khoan nhỏ để tránh trượt khi khoan

- Khoan từ từ, giữ tốc độ khoan trung bình để đảm bảo an toàn. Đối với những kim loại mềm, có thể khoan với tốc độ nhanh hơn.

- Khi đã khoan sâu được khoảng 2mm - 5mm, cần nhấc mũi khoan ra khỏi lỗ và làm sạch các mảnh vỡ kim loại để tránh kẹt mũi khoan và xước lỗ khoan. Sau đó mới tiến hành khoan tiếp.

f. Kỹ thuật doa

- Doa là phương pháp gia công tinh các lỗ sau khi khoan hoặc sau khi khoan và khoét để nâng cao độ chính xác, độ nhẵn bóng của lỗ.

Kỹ thuật khoan

(Trình tự doa lỗ có đường kính đến 25mm)

- Doa có đặc điểm là bề mặt gia công trùng với bề mặt định vị của dao nên không sửa được sai lệch về vị trí tương quan do các nguyên công trước để lại.

- Doa là một hoạt động hoàn thiện các lỗ có độ chính xác cao, được thực hiện bằng một công cụ nhiều cạnh. Độ hoàn thiện bề mặt cao, độ chính xác đạt từ cấp 7 đến cấp 9, độ bóng đạt Ra = 0,63 ÷ 1,25 μm. Đối với dao doa có chất lượng tốt, chế độ cắt tốt thì độ chính xác có thể đạt cấp 6 và độ bóng có thể đạt Ra = 0.63 μm. 

- Một số loại dao doa, bao gồm:

Một số loại dao doa

- Doa có thể thực hiện trên các loại máy như: máy khoan, máy tiện, máy phay, máy doa hoặc thực hiện bằng tay.

- Doa máy: 

+ Doa cưỡng bức: Dao doa được nối cứng với trục chính của máy. Doa cưỡng bức có nhược điểm cơ bản là lỗ thường bị lay rộng hoặc lỗ bị xiên và dao dễ bị kẹt, gãy. Nguyên nhân chủ yếu là do độ lệch tâm giữa đường tâm trục chính của máy với tâm lỗ gia công.

+ Doa tùy động: Dao doa được nối với tuỳ động với trục chính của máy bằng khớp tùy động. Lúc này dao hoàn toàn dựa vào lỗ đã có để tự dẫn hướng nên nó khắc phục được nhược điểm của phương pháp trên.

- Doa tay: 

Một số loại dao doa

Bản chất quá trình cắt và các chuyển động giống như doa máy nhưng ở đây các chuyển động cắt do tay người công nhân thực hiện. Nếu thao tác của người công nhân nhịp nhàng, uyển chuyển thì doa tay có thể đạt độ chính xác cao hơn doa máy. Dao doa tay khác dao doa máy ở chỗ dao doa tay và có góc ϕ nhỏ hơn phần dẫn hướng dài so với dao doa máy.

Một số chú ý khi doa

- Chỉ nên dao cưỡng bức trong một số trường hợp như: các lỗ khoan, khoét, doa trên một lần gá hoặc các lỗ ngắn, lỗ lớn. Còn lại nên doa tuỳ động. 

- Không nên doa các lỗ quá lớn, các lỗ có kích thước phi tiêu chuẩn, các lỗ ngắn, các lỗ không thông, các lỗ có rãnh, lỗ trên các loại vật liệu quá cứng hoặc quá mềm. 

- Thường doa đi theo bộ khoan-khoét-doa và dao doa khá đắt tiền nên dao chỉ sử dụng có hiệu quả khi sản lượng gia công đủ lớn. 

 Bạn có thể tải về file word tại đây và in ra nhé.


Bạn có trao đổi gì về nội dung Phương pháp gia công nguội này không? Hãy để lại Comment trong phần Nhận xét cuối bài đăng nhé. Bài viết này thuộc chủ đề  công bố trên Blog Yêu Cơ Khí #YCK2020 - Kênh chia sẻ kiến thức về Công nghệ Chế tạo máy. 
 

 Bạn muốn tìm kiếm gì không?

Bài đăng mới nhất

Các Phương Pháp Hàn trong Cơ Khí Chế Tạo - yck2020

Top All

Nguồn video của Blog Yêu Cơ khí YCK2020

Về chúng tôi

Về chúng tôi
Blog Yêu Cơ khí